Lịch sử:

Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Trinh Nữ Maria (tiếng Latinh: Congregatio Clericorum Marianorum ab Immaculata Conceptione Beatissimae Virginis Mariae ) được sáng lập bởi thánh Stanislaô Giêsu Maria Papczyński ở Krakow (với lời khấn máu “Oblatio”) vào ngày 11 tháng 12 năm 1670. Hội dòng đã được đổi mới và cải tổ vào năm 1910 bởi Chân Phước Giám mục Jerzy Matulewicz. Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là dòng tu giáo sĩ đầu tiên được thành lập ở Ba Lan.

năm 1670

Thánh Stanislaô Giêsu Maria (1631-1701), sinh ra và lớn lên tại làng quê Podegrodzie ở miền Nam cao nguyên Ba Lan. Gia nhập Dòng Linh mục Piarist (1654). Tuy nhiên, ngài đã quyết định rời dòng Piarist sau một khoảng thời gian gắn bó. Vào tháng 10 năm 1670, Vị Giáo Hoàng mới được bầu chọn (Clemente X) cho tất cả các thành viên chưa nhận lời khấn trọng thể được phép rời khỏi dòng. Sau khi rời khỏi dòng, ngài bắt đầu giai đoạn mới của cuộc đời bằng lời khấn tận hiến “Oblatio”, tức là dâng mình cho Thiên Chúa Ba Ngôi và Đức Maria Vô Nhiễm. Đồng thời ngài cũng được linh hứng thành lập Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

năm 1673

Đấng sáng lập Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm ngay từ khởi đầu đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong cuộc sống của mình, và điều đó cũng không tránh khỏi khi ngài khởi đầu một đời sống mới. Khi ngài bắt đầu thành lập một cộng đoàn mới, có những người ẩn sĩ, những cựu quân nhân theo ngài, nhưng họ đã nhanh chóng rời bỏ ngài, khi ngài yêu cầu những việc thiêng liêng nghiêm ngặt như: Cầu nguyện và những việc hành xác. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn quan phòng đến cộng đoàn, dần dần cộng đoàn ngày càng vững mạnh và phát triển. Các đệ tử mới đã gia nhập cộng đoàn để loan truyền mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu nguyện cho những người đã khuất và giúp đỡ các cha xứ trong việc giảng dạy giáo lý. Đấng sáng lập đã viết cho các thành viên một luật mới có tựa đề “Norma Vitae” (Luật Sống) với nền tảng: Làm sáng danh Thiên Chúa và quan tâm đến phần rỗi của mình bằng cách phấn đấu nghiêm ngặt mỗi ngày để đạt được sự thiện hảo. Tuy nhiên, không để mỗi người đứng rãnh không làm gì như trong dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20, 1-16a), mỗi người phải ra sức loan truyền mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tùy theo khả năng của mỗi người và với sự nỗ lực miệt mài, cùng với lòng nhiệt thành và với những lời cầu nguyện thiết tha để cứu giúp các linh hồn trong luyện ngục, những người chết vì dịch bệnh, người chết trên chiến trường mà chưa kịp chịu các phép sau hết.

năm 1699

Trật tự mới đang phát triển nhưng cũng đầy những thử thách. Năm 1677, Đức cha Têphanô Wierzbowski đã quyết định mời dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm đến phục vụ ở Nowa Jerozolima (Góra Kalwaria ngày nay). Đức cha đã giao phó cho cha Stanislaô  “Nhà Tiệc Ly” (Cenacle). Nhưng mục tiêu chính của Đấng sáng lập Hội Dòng là sự phê chuẩn của tòa thánh. Khoảnh khắc mong chờ này cũng đã đến vào năm 1699, hai năm trước khi cha thánh Stanislaô qua đời vào năm 1701. Cũng từ đó, Hội Dòng đã có ba cộng đoàn (Puszcza Mariańska, Góra Kalwaria ở Marianki- nơi có mộ của Đấng sáng lập và ở Goźlin). Tuy nhiên, sự phát triển của trật tự đã bị kìm hãm bởi nhiều thử thách khác nhau, và ngay cả cộng đoàn cũng đã bị phân tán.

kế kỷ 18 -19

Sự phân tán của các Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Rôma, Bồ Đào Nha và trên lãnh thổ của khối thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania trước đây.

Vị Tôi Tớ Đáng Kính Casimir Wyszynsky đã có những công lao đặc biệt trong việc cũng cố và mở rộng Hội Dòng. Nhờ những quyết định của ngài, các tổ chức đã được thành lập ở Ba Lan và Lithuania, cũng như ở nước ngoài Bồ Đào Nha và Rôma. Vào thế kỷ 18, Hội Dòng đã có thêm những thành viên mới gia nhập ở nhiều quốc tịch khác nhau như: Ba lan, Lithuania, Ruthian, người Séc và người Bồ Đào Nha. Sự phát triển đã bị gián đoạn bởi phân vùng thứ ba của Ba Lan. Hội Dòng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, hầu hết các trường học mà Hội Dòng điều hành phải đóng cửa, một số cộng đoàn ở Ba Lan, đặc biệt là ở Rôma và Bồ Đào Nha bị đóng cửa. Cuối cùng, sau năm 1864, chỉ còn lại một tu viện ở Marijampolė ở Lithuania.

năm 1909

Ngày 29 tháng 8 năm 1909 – Fr. Jerzy Matulewicz (1871-1927) bí mật tuyên khấn trước sự hiện diện của Cha Wincenty Sękowski người cuối cùng còn sống của Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Năm 1908, chỉ có một thành viên của Hội Dòng còn sống trong tu viện Mariampole – đó chính là cha bề trên Wincenty Sękowski. Nhưng Thiên Chúa luôn quan phòng và  không để cho công trình Ngài khởi dựng bị dập tắt. Ngài đã cho phép sự hồi sinh của Hội Dòng dưới sự dẫn dắt của vị cải tổ Matulewicz. Ngày 28 tháng 11 năm 1910 Đức Giáo Hoàng Piô X phê chuẩn Hiến Pháp mới; do đó, Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm được biến đổi thành một dòng tu giáo sĩ có tính chất tông đồ. Khi Cha Tổng quyền Sękowski qua đời vào năm 1911, Hội Dòng có thêm ba thành viên mới và sự tồn tại hợp pháp của Hội Dòng được đảm bảo. Sự quan phòng của Thiên Chúa, luôn được tôn kính trong Hội Dòng, một lần nữa chứng tỏ sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa. Đó là khởi đầu cho sự phát triển mới mẻ của Hội Dòng sau khi được tái sinh.

năm 1987

Ngày 28 tháng 6 năm 1987 – phong chân phước cho Jerzy Matulewicz, vị  cải tổ của Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

năm 1999

Ngày 13 tháng 6 năm 1999 – phong chân phước cho các vị tử đạo ở Rosica: Jerzy Kaszyra và Antoni Leszczewicz

năm 2007

Ngày 16 tháng 9 năm 2007 – phong chân phước cho Cha Stanisław Papczyński, Đấng sáng lập Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

năm 2016

Phong thánh cho Stanisław Papczyński Đấng sáng lập Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Hiện tại Hội Dòng có mặt tại 20 quốc gia trên tất cả các Châu Lục. Hội Dòng có hơn 500 linh mục và sư huynh phục vụ theo nhiều cách khác nhau: từ công việc giáo xứ đến công việc truyền giáo, từ phục vụ trong các đền thánh đến tuyên úy chuyên trách, từ điều hành trường học đến công việc học tập tại các trường đại học. Hội Dòng cố gắng làm điều đó theo châm ngôn “Pro Christo et Ecclesia” (Vì Đức Kitô và Giáo hội).

ĐẤNG SÁNG LẬP

Cha Stanislaô Giêsu Maria Papczynski là vị thánh cho Giáo Hội hôm nay, đặc biệt cho Giáo Hội tại Việt Nam.

XEM THÊM TIỂU SU

Mặc dù ngài sống trước chúng ta ba thế kỷ, nhưng mẫu gương về cuộc đời của ngài vẫn giúp ích cho người Công giáo ngày hôm nay. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân, cùng với lòng kiên trì trung thành trong đức tin của thánh nhân là niềm cảm hứng cho chúng ta. Đối với người Công giáo Việt Nam, có lẽ điều hấp dẫn nhất trong luật sống của Hội Dòng chính là lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Theo cha Stanislaô: “Các Kitô hữu nên học theo mẫu gương về đức tin và đức hạnh của Mẹ Thiên Chúa. Yêu mến Đức Mẹ không chỉ là cầu xin ơn lành mỗi ngày mà đặc biệt phải noi gương đời sống thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria, luôn cùng Mẹ tìm kiếm và chấp nhận thánh ý Chúa”. Cha Stanislaô dạy chúng ta rằng phúc lành của Thiên Chúa không phải là may mắn, mà là cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời của mỗi người. Bằng chứng là cuộc khổ hình của Đức Giêsu trên cây thập tự và hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Lời xin vâng đầu tiên trong mầu nhiệm Truyền Tin sẽ được chu toàn khi Đức Kitô sống lại, nhưng trước khi Ngài sống lại, Đức Mẹ nói xin vâng dưới chân Thập Giá khi Đức Giêsu chịu chết, vì không có sự sống lại nếu không có cái chết. Trong Kinh Thánh, Đức Giêsu xác quyết: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24). Con đường sự sống theo Tin Mừng là phải vượt qua được khổ hình thập giá, nên những ai không muốn chấp nhận thập giá thì không thể cùng phục sinh với Đức Giêsu và trở thành môn đệ Người được. Cha Stanislaô đã hiểu một cách hoàn hảo sự thật này. Vì thế, ngài đã chọn tên “Stanislaô Giêsu Maria”. Thiên Chúa là Cha muốn mọi người bước theo Đức Giêsu là Con của Người và Đức Maria. Đây là kế hoạch của Chúa dành cho nhân loại cùng với Adam mới và Eva mới.

 Từ cha Stanislaô, chúng ta học được lòng yêu mến những người đã qua đời, cũng là những người đang rất cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Chính Đức Giêsu đã nói: “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.” (Ga 15,12). Vì Lời của Đức Giêsu, cha Stanislaô muốn những đứa con tinh thần của ngài yêu mến tất cả mọi người còn sống cũng như đã qua đời. Người đã qua đời cần đến sự giúp đỡ của chúng ta nhiều hơn. Chúng ta có thể giúp họ bằng lời cầu nguyện, đặc biệt trong thánh lễ. Đây là linh đạo mà thánh nhân đã khám phá, lãnh nhận từ Thiên Chúa, và để lại cho Hội Dòng “Linh mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Vị cải tổ

Lạy chúa! Này con đây, xin hãy dùng con: hãy làm những gì Ngài muốn đối với con, hãy để con trở thành một khí cụ bình an trong tay Ngài, để làm cho danh thánh Ngài cả sáng, nước Ngài trị đến, ý của Ngài được thực hiện. Những điều đó đã được hoàn thành tròn đầy trong cuộc sống của Jerzy Matulaitis. Ngài không thể ngờ rằng Thiên Chúa lại dùng ngài để cải tổ lại Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Chân phước Jerzy Matulaitis-Matulewicz sinh ngày 13 tháng 4 năm 1871 tại Lugine gần Mariampol, thuộc Vùng Suwałki, là con thứ tám trong gia đình. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được anh trai của mình chăm sóc. Mặc dù sức khỏe yếu, ngài đã có những bước tiến lớn trong học tập. Từ thuở ấu thơ, ngài đã ước ao theo Chúa Kitô trên con đường linh mục.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ngài vào chủng viện ở Kielce, sau đó học tại chủng viện ở Warsaw và tại Học viện Thần học ở St. Petersburg. Năm 1898, ngài được thụ phong linh mục. Tuy nhiên, sức khỏe ngày càng sa sút đã buộc ngài phải dừng công việc mục vụ của mình và ngài đã rời đi để học thêm ở Freiburg, Thụy Sĩ, nơi ngài đã hoàn thành bằng tiến sĩ.

Chính những lúc khó khăn như vậy, ngài mới hiểu được giá trị của đời sống thánh hiến, đó cũng là điều mà ngài hằng khao khát. Là một người học trò cũ của Hội Dòng, ngài vô cùng lo lắng về số phận của Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đang trên bờ vực sụp đổ. Vào thời điểm đó, chỉ còn lại duy nhất một thành viên của Hội Dòng còn sống – bề trên tổng quyền cha Vinh Sơn Sękowski. Matulewicz quyết định gia nhập Hội Dòng và, với sự đồng ý của Tòa thánh, ngài đã thực hiện lời khấn trong âm thầm dưới sự chứng kiến của bề trên tổng quyền. Theo sau ngài, ngày càng có nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi sức thu hút của ngài đối với Hội Dòng đổi mới. Trong Thế chiến thứ nhất, ngài đã thành lập một trại trẻ mồ côi ở Bielany của Warsaw, nơi sẽ trở thành một trường học nổi tiếng, và thành lập hội dòng nữ: Nữ Tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và sau đó là một hội dòng khác – Nữ tỳ Chúa Giêsu Thánh Thể (Eucharists).

Vào thời điểm mà ngài đang rất nhiệt tình cống hiến hết mình cho việc tổ chức Hội Dòng mới, vào năm 1918, Đức Giáo hoàng đã bổ nhiệm ông vào tòa giám mục ở Vilnius. Vật lộn với nhiều khó khăn từ người Ba Lan và người Lithuania, trong khi giải quyết các công việc của Hội Dòng, vào năm 1925, theo yêu cầu của Giáo hoàng – đã miễn nhiệm ngài khỏi tòa giám mục, bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục và Khâm sứ Tòa thánh tại Lithuania. Điều này cho phép ngài sống ở Roma, nơi ngôi nhà chung.

Vào tháng 1 năm 1927, khi đang ở Lithuania, ngài bị bệnh viêm ruột thừa cấp tính. Ngài qua đời vào ngày 27 tháng 1 năm 1927. Ngài đã sống cuộc đời của mình theo phương châm của Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: Pro Christo et Ecclesia – Vì Chúa Kitô và Giáo hội! Một tang lễ long trọng đã diễn ra tại Nhà thờ lớn Kaunas, và vào năm 1934, thi thể của ngài được chuyển đến nhà thờ Đức Mẹ ở Marijampole. Ngày 28 tháng 6 năm 1987, ngài được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước.

PHỤNG VỤ GIÁO HỘI

Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một Hội Dòng tích cực tham gia hoạt động tông đồ nhằm phục vụ Giáo Hội. Tuy nhiên, hai linh đạo trên (loan truyền mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục) không làm sao nhãng đi việc hoạt động tông đồ của Hội Dòng. Bởi vì theo châm ngôn của Hội Dòng “ Vì Đức Kitô và Giáo Hội”, Hội dòng luôn cởi mở với các nhu cầu và lời kêu gọi của Giáo Hội. Đấng sáng lập, thánh Stanislaô Papczyński, đã nhiều lần thể hiện sự sẵn sàng làm việc tông đồ của mình và khuyến khích các thành viên giúp đỡ các linh mục giáo xứ, Chân phước Jerzy Matulewicz, vị cải tổ của Hội Dòng thậm chí còn nhấn mạnh hơn nữa vào linh đạo này.
Ngày nay, việc phục vụ cụ thể của các Hội Dòng trong Giáo hội và cho Giáo hội là:
· Điều hành một giáo xứ
· Giảng tĩnh tâm và mục vụ ở giáo xứ
· Các hoạt động dạy giáo lý và giáo dục trong các trường phổ thông và đại học
· Loan truyền các sứ mệnh đến các quốc gia Châu Phi và Châu Á
· Dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa
· Công việc xuất bản
· Mục vụ hành hương

HỘI DÒNG TRÊN THẾ GIỚI Chúng tôi có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới, bao gồm... Nếu bạn muốn biết thêm, hãy truy cập www.padrimariani.org Các địa điểm của Hội Dòng trên thế giới, hãy truy cập https://padrimariani.org/en/marians-around-the-world/
Linh đạo

“Linh đạo” của một dòng Hội Dòng, theo thuật ngữ thần học mới nhất là một hồng ân đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho đấng sáng lập và những người theo linh đạo này. Hồng ân này liên quan mật thiết đến đời sống thường ngày cũng như đời sống tâm linh và sứ mạng cụ thể mà các thành viên của một hội dòng hay tu hội được mời gọi tuân theo.
Đối với thánh Stanislaô Papczyński và các thành viên của hội dòng, hồng ân mà ngài nhận được từ Thiên Chúa đó là loan truyền mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, mầu nhiệm này trở thành dấu chỉ, sức mạnh và niềm vui đặc biệt của ơn gọi Maria. Bên cạnh đó, Hội Dòng được kêu gọi cầu nguyện đặc biệt cho những linh hồn nơi Luyện ngục và giúp đỡ những người đang hấp hối. Linh đạo thứ ba của Hội Dòng là phục vụ Giáo Hội, hoạt động ở khắp nơi, bất cứ nơi đâu mà Giáo Hội cần.
Loan Truyền Mầu Nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Đấng sáng lập Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thánh Stanislaô Papczyński đã nghe đã nghe thấy tiếng Chúa mời gọi sống đời tu trì: Bắt chước cuộc đời và công việc của Chúa Giêsu Kitô một cách đặc biệt và ngài cũng được linh hứng thành lập một dòng tu để loan truyền mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Trong mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, thánh Stanislaô đã chiêm ngưỡng quyền năng Cứu Chuộc của Đức Kitô. Trong buổi lễ phong chân phước cho đấng sáng lập hội dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 2007, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone nói: “Trong sự Vô Nhiễm, ngài nhìn thấy vẻ đẹp của một con người mới, hoàn toàn tận hiến cho Đức Kitô và Giáo Hội. Ngài kinh ngạc trước đức tin chân thật ở Chân Phước Stanislaô đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin đó. Ngài biết rằng Đức Maria là kiệt tác tạo dựng của Thiên Chúa, là sự xác nhận phẩm giá của mỗi con người, được Thiên Chúa yêu thương và được tiền định cho sự sống đời đời trên thiên đàng. Ngài muốn mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội là dấu chỉ đặc biệt của Hội Dòng mà ngài thành lập; trở thành sức mạnh và niềm vui đích thực mỗi ngày của Mẹ.
Là những thành viên của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, mỗi người mang trên mình danh hiệu Maria. Ai là Đức Maria đối với chúng ta? Và sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria đối với đời sống thường ngày và đời sống thiêng liêng là gì? Hiến pháp của Hội Dòng đã nêu rõ: “Trên con đường theo Đức Kitô, Đấng Bảo Trợ chính của chúng ta là Đức Trinh Nữ Maria, là người hướng dẫn và giúp đỡ chúng ta. Mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ đã là dấu chỉ đặc biệt, là sức mạnh và là niềm vui của ơn gọi của các thành viên Maria ngay từ buổi đầu thành lập Hội Dòng; qua mầu nhiệm này, Mẹ Maria là niềm cảm hứng cho tất cả các thành viên, tín thác vào hoa trái vô tận của công trình Cứu Chuộc, tránh mọi tội lỗi dù là tội nhỏ nhất, nhiệt thành yêu mến sự trong sạch của tâm hồn, thấm nhuần toàn bộ cuộc đời bằng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, để xây dựng Hội Thánh trong sự hiệp nhất, “để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,27).
Vì thế, đối với mỗi thành viên, Mẹ Maria và sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ là một nguồn cảm hứng phi thường trong cuộc sống và trong mọi hoạt động tông đồ. Việc tông đồ của Hội Dòng cụ thể của chúng ta là gì? Tóm lại, đó là:
· Loan truyền việc sùng kính Đức Mẹ, đặc biệt là qua Phụng Vụ
· Điều hành các thánh địa Đức Mẹ
· Điều hành các trung tâm đào tạo hiểu biết sâu hơn về Đức Mẹ, tổ chức các cuộc tĩnh tâm và hội nghị về Đức Mẹ
· Xuất bản các ấn phẩm về chủ đề Đức Mẹ
Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn Nơi Luyện Ngục
Vào thế kỷ 17, khi thánh Stanislaô đang sóng và thành lập Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ở quê hương của ngài, chiến tranh xảy ra liên miên, thiên tai, dịch bệnh hoành hành. Hàng ngàn người đã chết khi chưa lãnh nhận các bí tích sau cùng. Chính vì thế, mà Đấng sáng lập Hội Dòng đã quyết định đi đến những nơi như vậy để giúp đỡ họ lãnh nhận các bí tích sau cùng. Sự tận tâm của ngài được biết đến đối với các linh hồn nơi Luyện ngục, những cảm nghiệm thần bí về luyện ngục và những sự kiện kì diệu trong cuộc đời của ngài chứng tỏ sự quan tâm của ngài đối với linh hồn những người đã khuất.
Trong luật dòng “Norma Vitae”, ngài hướng dẫn cho những thành viên trong Dòng: “Đừng để mỗi người đứng không như trong dụ ngôn vườn nho của Chúa… nhưng hãy nâng đỡ linh hồn của những tín hữu đã qua đời, đang đau khổ trong luyện ngục, bị giết bởi chiến tranh hoặc dịch bệnh với tấm lòng nhiệt thành, đạo đức và nhiệt tình nhất.”
Ngày nay, các thành viên của Hội Dòng Linh Mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội noi gương Đấng sáng lập, dâng những lời cầu nguyện thiết tha, những ân xá, những công phúc và qua những việc làm sám hối của mỗi người để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Ngoài ra, Hội Dòng cũng cố gắng thực hành mệnh lệnh này của Thánh Stanislaô trong công việc tông đồ của ngài.
Ngày nay, các thành viên của Hội Dòng giúp đỡ những người đã chết và đang hấp hối bằng cách:
· Cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt qua Phụng Vụ
· Điều hành các nhà thương và các hình thức mục vụ cho những người hấp hối
· Giúp đỡ tang chế, tĩnh tâm và tư vấn
· Công bố các chân lý cánh chung

TẠI VIỆT NAM

Hội Dòng Linh mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Marians of the Immaculate Conception) là một cộng đoàn anh em sống đời thánh hiến thuộc Giáo Hội Công giáo Rôma, được thánh Stanislaô Papczynski sáng lập vào năm 1670 tại Ba Lan nhằm loan truyền mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục, và làm các công việc phục vụ Giáo Hội. Ngoài ra, các thành viên tại nhiều quốc gia trên thế giới đang quảng bá sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho thánh nữ Faustina Kowalska. 

Thực tế, bản gốc “Cuốn Nhật ký của thánh nữ Faustina đã được một linh mục của Hội Dòng gìn giữ và đưa đến cộng đoàn tại Mỹ trong thế chiến II. Hội Dòng nhìn nhận đó như là dấu hiệu của sự Quan Phòng của Thiên Chúa, vì mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria là một điều đặc biệt đầu tiên diễn tả Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thật vậy, 

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đã tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta trong Đức Kitô để chúng ta “được trở nên tinh tuyền thánh thiện” như Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Điều kiện duy nhất để lãnh nhận ân sủng này là có một đức tin chân thật và lòng ăn năn, sám hối.

Từ năm 2015, Dòng Linh mục Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt đầu hiện diện và hoạt động tại Việt Nam. Hội Dòng chấp nhận các ứng sinh có khao khát trở thành “tông đồ” loan truyền mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ Maria theo mẫu gương Thánh Stanislaô Giêsu Maria Papczynski – Đấng Sáng lập Hội Dòng. “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Khải Huyền 3,20).

VỀ TRANG CHỦ